Doanh nghiệp tại nhiều địa phương “tê liệt” vì COVID-19

Cục Thuế Hà Nội cho biết, 2 tháng đầu năm có hơn 2.600 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 6.400 hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh.

Lượng doanh nghiệp giả thể, tạm nghỉ kinh doanh tăng từ 22% đến 37,8%. Hà Nội hiện quản lý gần 184.400 hộ kinh doanh, trong tháng 1/2020, có hơn 13.800 hộ phát sinh hóa đơn, nhưng tháng 2/2020 chỉ còn gần 4.300 hộ phát sinh hóa đơn. Số hộ kinh doanh phát sinh hóa đơn suy giảm 68% so với tháng trước.

Nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì COVID-19

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm có hơn 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số chờ giải thể hơn 9.400 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.800 doanh nghiệp, trong đó có 2.500 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

Tại TP. HCM, nhiều doanh nghiệp cũng điêu đứng trước nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu, hàng tồn kho không bán được. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP. HCM, cho biết, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chưa bao giờ giảm sâu như hiện nay.

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tháng 1 đạt 2,85 tỷ USD, giảm gần 23,5% so với cùng kỳ 2019, kim ngạch nhập khẩu 1,39 tỷ USD cũng giảm 28,5% so với cùng kỳ 2019. Một số cơ sở may mặc, làm túi xách tuy sử dụng nguyên liệu trong nước nhưng phụ liệu như da công nghiệp, dây kéo, khóa, xi… vẫn phải nhập từ Trung Quốc.

Theo ông Lý Thành Sinh, giám đốc Công ty May thêu Minh Long Hưng (Q.9, TP.HCM), hoạt động của công ty đang tê liệt đến 95%, hàng ùn ứ đầy kho, máy móc ngừng hoạt động, công nhân tạm nghỉ việc. Dù đã cho hầu hết công nhân ngừng việc, nhưng công ty vẫn trả 70% lương cơ bản để giữ người. Tiền nợ ngân hàng, tiền thuế hằng tháng… đè nặng doanh nghiệp.

Ông Lý Thành Sinh dự báo, do dịch, lượng doanh nghiệp bị lỗ, phá sản sẽ rất nhiều. Trường hợp phục hồi thì khoảng 10-20% là cao. Đối với doanh nghiệp lỗ còn báo thuế để miễn giảm thuế được, nhưng hệ thống phân phối của các doanh nghiệp đang chịu thuế khoán, kinh doanh không được nhưng vẫn đóng thuế, trả tiền thuê mặt bằng thì còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành nhựa cao su cho rằng, nguyên liệu đặc biệt là hóa chất trong ngành nhựa cao su Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, tới hơn 70%. Nếu phía Trung Quốc vẫn chưa cung cấp được nguyên liệu thì DN phải nhập từ Nhật, Hàn với giá cao hơn từ 15 đến 20%.

Tại tỉnh An Giang, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng khi nhiều đơn hàng xuất sang các thị trường chủ lực giảm từ 30 - 40% so kế hoạch. Không chỉ mặt hàng thủy sản bị ảnh hưởng mà nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như may mặc, trái cây cũng đang bị ảnh hưởng, nếu tình trạng này kéo dài doanh nghiệp khó có khả năng tiếp tục hoạt động.

Ngành du lịch An Giang cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng khách An Giang giảm mạnh, từ 30 - 40%, có những điểm du lịch, lượng khách giảm khoảng 50-60% so với cùng kỳ. Ông Lý Thanh Sang, Giám đốc Khu du lịch cáp treo Núi Cấm, tỉnh An Giang cho biết, trước đây mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đi cáp treo tham quan núi Cấm, nhất là dịp Tết và hè khách sẽ đông hơn. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch Covid-19, số lượng du khách tới đây giảm khoảng 50-60%.

Còn tại Đăk Nông, Dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, giải trí, du lịch. Nhiều doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, lượng khách giảm từ 60 -80% so với cùng kỳ năm trước. Để ứng phó với tình hình này, nhiều doanh nghiệp chỉ còn cách gồng mình,cố gắng duy trì hoạt động.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái Nguyên Thành Phát cho biết: “Thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách đến khu du lịch rất ít, số tiền thu chỉ đủ phục vụ lương nhân viên và tiền điện. Còn lại việc đóng thuế, trả lãi ngân hàng đang rất khó khăn. Đề nghị Ngân hàng, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn này”. 

Theo Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Đăk Nông, dịch COVID-19 có tác động toàn diện ở tất cả các mặt từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại... Mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Nông bị sụt giảm về doanh thu, chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Link nội dung: https://phapluatkinhdoanh.com/doanh-nghiep-tai-nhieu-dia-phuong-te-liet-vi-covid-19-a109.html