Đưa âm nhạc dân tộc đến gần với giới trẻ

Ngày 17.10, Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm mang chủ đề “Âm nhạc dân tộc học đường trong học sinh, sinh viên”, qua đó tạo điều kiện cho sinh viên, thanh niên nâng cao “văn hóa thưởng thức”, tiếp cận với các thể loại âm nhạc dân tộc cũng như trao đổi cùng các chuyên gia về lĩnh vực Âm nhạc dân tộc.

Đây cũng là dịp để đánh giá việc thực hiện Chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh lần V, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và gợi hướng mô hình, giải pháp phát triển âm nhạc dân tộc học đường trong sinh viên nhiệm kỳ VI (2020 – 2023) và nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2023.

Chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” đã được tổ chức thực hiện từ năm 2015 tại Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM và các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố. Chuỗi chương trình đã được đầu tư nghiêm túc, chỉnh chu, chú trọng nâng cao cả về chất và lượng. Thường xuyên triển khai các hoạt động mới hoặc tạo mọi điều kiện để lồng ghép, phát huy yếu tố âm nhạc dân tộc trong các cuộc thi chương trình, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho giới trẻ. Trong 5 năm, Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM đã tổ chức gần 50 Hội thảo tại các trường, ký túc xá, bình quân mỗi buổi thu hút được 300 sinh viên tham gia; Tổ chức 40 buổi dạy hát, dạy nhạc cụ dân tộc cho 2000 sinh viên; Thành lập mới, hỗ trợ tái hoạt động 20 Câu lạc bộ bảo tồn Âm nhạc dân tộc; Tập huấn cho 100 Câu lạc bộ văn nghệ về giá trị của âm nhạc dân tộc… Đây là cả một quá trình nỗ lực, cố gắng để phát huy và bảo tồn giá trị trong âm nhạc dân tộc của Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM.

Toàn cảnh buổi tọa đàm "Âm nhạc dân tộc học đường trong sinh viên"

Tiếp nối thành công chuỗi hoạt động của chương trình năm nay, toạ đàm “Âm nhạc dân tộc học đường trong học sinh, sinh viên” với sự tham dự của các đơn vị có chuyên môn cao về âm nhạc dân tộc và các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về các thể loại âm nhạc truyền thống như: NSƯT Ngô Tuyết Mai, NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Hải Phượng, TS Mai Mỹ Duyên... Toạ đàm đã mang đến những kiến thức về âm nhạc dân tộc, tình hình phát triển và vai trò của âm nhạc dân tộc học đường trong đời sống nói chung và giới trẻ nói riêng. Đồng thời, tại toạ đàm các chuyên gia khách mời và các đơn vị chuyên môn đã tiến hành trao đổi về thực trạng của việc thực hiện chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” giai đoạn 2015 – 2020 qua đó gợi hướng mô hình, giải pháp phát triển âm nhạc dân tộc học đường trong sinh viên nhiệm kỳ VI (2020 – 2023).

Đến dự buổi tọa đàm, Nhà nghiên cứu - TS Mai Mỹ Duyên đã mang đến những góc nhìn mới, hướng tiếp cận mới về nguồn gốc của âm nhạc dân tộc cho các bạn trẻ. Theo bà, muốn đưa âm nhạc dân tộc vào học đường không phải là chuyện “ngày một ngày hai” mà cần phải lâu dài. Cần có những hoạt động chương trình mới lạ, trước mắt là gợi sự tò mò của các bạn trẻ, từ đó họ mới có nhu cầu tìm hiểu, dần dà sẽ tạo sự thích thú, yêu mến và có mong muốn phát huy bảo tồn những giá trị hết sức quan trọng của âm nhạc dân tộc. Cầu nối dễ dàng, nhanh chóng nhất đó chính là các Câu lạc bộ, họi nhóm.

NSƯT Hải Phượng cũng chia sẻ: “Người trẻ có lợi thế về nhân sự, có nhiều thế mạnh để có thể khai thác hết tiềm năng của các loại hình trong âm nhạc dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, các bạn phải biết tận dụng nguồn tài nguyên dồi dào này.”

Đề xuất các giải pháp trong tình hình xã hội có nhiều thay đổi như hiện nay, NSƯT Huỳnh Khải cho rằng, các bạn trẻ cần có sự sáng tạo, sáng tạo từ cái cũ để cho ra cái mới sao cho phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện đại, chứ không phải cứ chăm chăm biểu diễn, làm theo cái cũ vì lẽ có những tiết mục đã trở thành “huyền thoại” thì khó lòng mà làm hay hơn được. Chính vì thế, sáng tạo trong âm nhạc dân tộc là điều cần thiết.

Cuối buổi tọa đàm, các bạn trẻ còn có cơ hội bày tỏ nguyện vọng và suy nghĩ của bản thân về vấn đề âm nhạc dân tộc trong học đường cùng các chuyên gia khách mời.

Thái Bình

Link nội dung: https://phapluatkinhdoanh.com/dua-am-nhac-dan-toc-den-gan-voi-gioi-tre-a1162.html