Xin bà cho biết một số đánh giá về nhu cầu sử dụng máy móc, thiết bị do các doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện nay?
Có một thực tế, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị trong nước ban đầu không được chuộng như sản phẩm nhập ngoại nhưng sau khi đi tham gia triển lãm, chào hàng ở Thái Lan, Malaysia trở về, doanh nghiệp lại bán hàng rất tốt. Lý do, sau khi tham dự triển lãm máy móc, thiết bị ở các hội chợ quốc tế, doanh nghiệp đã nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất và áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh
Ngoài ra, trong bối cảnh bị ảnh hưởng dịch bệnh, một số máy móc nhập khẩu vào thị trường nội địa nhưng không có chuyên gia vận hành nên doanh nghiệp phải sử dụng nguồn hàng trong nước với chế độ bảo hành tại chỗ. Đây cũng là một trong những lý do mà nhiều doanh nghiệp cơ khí đã có thêm nhiều đơn đặt hàng trong thời điểm tưởng chừng còn rất khó khăn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất lớn đang đặt nhà máy tại Việt Nam đã tích cực hỗ trợ, phát triển các nhà cung cấp tại chỗ để tối ưu hóa chi phí. Từ đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tham gia được vào chuỗi cung ứng thiết bị của các tập đoàn này.
Từ đầu năm đến nay, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp thuộc hiệp hội, thưa bà?
Thực tế, do dịch bệnh, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như giao thương của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong hiệp hội và nhiều doanh nghiệp khác nói chung đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời về sản xuất, nguồn nguyên liệu, nhân sự.
Những doanh nghiệp có tiềm lực tốt đã tranh thủ cơ cấu lại sản xuất, thực hiện cải tạo lại nhà xưởng, dây chuyền, công nghệ máy móc... mà bấy lâu nay chưa thực hiện được. Việc tái cấu trúc, đầu tư này sẽ tạo đà cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn, nhanh hơn trong tương lai khi mọi việc trở lại trạng thái bình thường mới.
Bà Lê Thị Hồng Loan - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh
Được biết, dự án sản xuất máy móc, thiết bị “Made by Việt Nam” đến nay đã khởi động và mang lại những kết quả cụ thể. Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Dự án “Made by Việt Nam” đã khởi động và nhận được sự đồng hành ủng hộ từ Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Qua các chương trình khảo sát, thăm dò tình hình thị trường, tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp về đầu tư mới trang bị máy móc, thiết bị và đã nhận được nhiều tín hiệu tốt về nhu cầu để có thể lên kế hoạch liên kết, triển khai...
Đặc biệt, ngay từ những bước đầu tiên, dự án “Made by Việt Nam” đã gặt hái thành công bước đầu với dây chuyền sản xuất găng tay đã vận hành sản xuất. Với dây chuyền này đến nay đã nhận được yêu cầu đặt hàng từ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.
Để hiện thực hóa sản phẩm dự án “Made by Việt Nam”, theo bà cần chú trọng đến những vấn đề nào?
Các doanh nghiệp cần tương tác, hợp tác tốt với nhau. Một nhóm các doanh nghiệp với thế mạnh khác nhau, bổ khuyết cho nhau cùng liên kết cho ra đời các sản phấm máy mang thương hiệu Việt Nam, phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng kết nối với các doanh nghiệp trong nước để cung ứng từng phần, hoặc toàn phần các máy móc, thiết bị cho doanh nghiệp có nhu cầu với sản phẩm “Made by Việt Nam”.
Bên cạnh hướng phát triển dựa trên các sáng chế được bảo hộ, để có thể chiếm lĩnh thị trường, khẳng định thương hiệu trong nước, doanh nghiệp cần tập trung nội lực để tạo ra “giá trị nội địa” riêng biệt, có thương hiệu riêng. Đặc biệt, có lợi thế về giá so với sản phẩm ngoại nhập, chất lượng tốt hơn sản phẩm từ một số nước trong khu vực, và đặc biệt trong khâu bảo hành, hậu mãi.
Thanh Lam
Link nội dung: https://phapluatkinhdoanh.com/hien-thuc-hoa-san-pham-made-by-viet-nam-a1184.html