Hồ Bản Viết nằm trong khu vực 2 xóm Bản Viết, Tân Phong, xã Phong Châu. Đây là hồ nước nhân tạo rộng 5 ha, chia làm 4 nhánh và được bao bọc bởi những ngọn núi trùng điệp, thảm thực vật phong phú, đa dạng; thấp thoáng những xóm nhỏ của người Tày, Nùng còn lưu giữ nhiều nét độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bắt đầu được cải tạo từ năm 1967, hồ Bản Viết cung cấp nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương.
Ảnh nguồn internet
Trên hành trình du lịch khám phá non nước Cao Bằng, du khách xuất phát từ thành phố Cao Bằng, qua thị trấn Trùng Khánh khoảng 8 km, rẽ phải theo con đường nông thôn mới đi thêm 3 km nữa sẽ đến khu vực hồ Bản Viết. Nằm cách Khu du lịch thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao không xa, đây là một địa chỉ rất đáng để trải nghiệm. Sau khi trải nghiệm trên những cung đường quanh co, uốn lượn đặc trưng của miền núi cao Đông Bắc, đến với hồ Bản Viết, du khách có thể đứng từ trên cao chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hoặc ngồi thuyền lướt ngang mặt hồ êm ả, hòa mình vào sắc nước trong xanh màu ngọc bích, cảm nhận sự thư thái giữa không gian yên bình. Mọi thời điểm trong ngày hồ Bản Viết đều đẹp, nhưng đẹp nhất có lẽ là vào thời khắc sáng sớm, khi làn sương mờ giăng phủ trắng xóa trên mặt hồ, lúc bình minh những tia nắng đầu tiên soi chiếu xuống mặt nước tạo ra khung cảnh huyền ảo, hoặc khi chiều tàn, hoàng hôn buông xuống, chỉ còn vệt nắng cuối cùng vương vấn trên mặt hồ lung linh. Nếu muốn ghé thăm hồ Bản Viết, thì mùa đông có lẽ là thời điểm lý tưởng nhất. Như đã thành quy luật tự nhiên, mỗi năm cứ đến cuối tháng 12, rừng cây xanh bạt ngàn xung quanh hồ khoác lên mình màu áo mới, rợp sắc lá đỏ vàng. Khung cảnh nơi đây đẹp như tranh vẽ, không kém mùa đông châu Âu là bao.
Không chỉ được ngắm nhìn vẻ hoang sơ, thơ mộng của hồ Bản Viết, mỗi du khách có thể đi bộ trên những thảm lá của rừng cây, len lỏi qua những con đường dẫn tới xóm nhỏ ven hồ, lắng nghe âm thanh khe khẽ của núi rừng, của tiếng chim hót líu lo, tận hưởng bầu không khí trong lành, tự nhiên. Thăm thú những ngôi nhà sàn cổ xây bằng đá của người Tày vẫn giữ được vẻ cổ kính, nguyên sơ cùng kiến trúc rất độc đáo; tìm hiểu văn hóa bản địa; khám phá cuộc sống bình dị của những con người mộc mạc, giàu lòng mến khách; nếm thử hương vị dẻo thơm của xôi ngũ sắc, vị cay nồng của rượu men lá, vị ngọt bùi của hạt dẻ Trùng Khánh…
Hồ Bản Viết có rất nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch, đặc biệt là 3 loại hình: du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm - trekking, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt cùng trình độ nhận thức về du lịch của bà con còn tương đối hạn chế, mặc dù giao thông đi lại thuận tiện song lại thiếu sót về cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu của du khách.
Có thể nói, thiên nhiên đã vô cùng ưu ái khi ban tặng cho mảnh đất Trùng Khánh muôn vàn thắng cảnh đẹp, hùng vĩ, trong đó có “viên ngọc quý” hồ Bản Viết. Với những điều tuyệt vời đang chờ đợi, còn chần chừ gì mà không lên đường bước vào cuộc hành trình, thả mình giữa mây trời, núi non.
Hà Vy
Link nội dung: https://phapluatkinhdoanh.com/chiem-nguong-ve-dep-tho-mong-cua-ho-ban-viet-cao-bang-a1223.html