Tại sao lại phải phân biệt hai loại hoa này với nhau? Bởi vì mặc dù đều là hoa lan nhưng mỗi loại lại có những đặc tính khác nhau do đó cần phải phân biệt để có cách chăm sóc cho phù hợp. Giữa chúng khác nhau thế nào, sau đây chúng tôi sẽ phân tích sơ lược một số điểm nổi bật.
Lan nói chung được chia làm 5 họ như sau: Orchidaceae (Phong Lan, Địa Lan, Thạch Lan…), Annonaceae (Hoàng lan…), Magnoliaceae (Chi Ngọc Lan, Mộc Lan…), Solanaceae (Dạ Lan…) và Hyacinthaceae (Lan Dạ Hương…). Cả 5 họ trên đều là loài Lan rừng chia làm rất nhiều chi và trong mỗi chi có đến hàng trăm loài Lan khác nhau.
Nhưng đặc điểm chung của Lan chính là đều rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường xung quanh. Vì đặc điểm này mà khiến cho rất nhiều người yêu hoa gặp rất nhiều khó khăn khi nuôi trồng do tốc độ sinh trưởng chậm. Do đó, không phải loại Lan rừng nào cũng có thể nuôi cấy được. Nhưng nhờ khoa học hiện đại và phát triển, con người đã tìm ra phương pháp để lai tạo và cấy mô Lan rừng và tạo ra Lan công nghiệp như hiện nay.
Lan rừng có thể xem là tổ tiên của hoa lan công nghiệp. Người ta sẽ sử dụng phương pháp thụ phấn chéo giữa loài cây này với loài cây kia để tạo ra một giống lan mới thừa hưởng những đặc tính được vượt trội của cây bố mẹ. Nhờ đó, rất nhiều loài hoa lan công nghiệp mới ra đời.
Một số loài được cấy mô từ đỉnh sinh trưởng để nhân giống trong ống nghiệm. Với những kỹ thuật này cần có phòng thí nghiệm để lấy tế bào và nuôi cấy trong ống nghiệm. Từ đó, nhân giống hàng loạt mà không cần đến các phương pháp nuôi cấy tự nhiên. Tuy nhiên với một số dòng lan phi điệp đột biến phương pháp này không giữ được đặc tính của cây mẹ
Lan công nghiệp được nhân giống bằng phương pháp cấy mô hàng loạt
Thực ra để cá nhân tự trồng lan công nghiệp thì nghe có vẻ rất bất khả thi. Nhưng với những người có ý định tạo ra một mô hình trồng lan công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là lớn thì phải chú ý một số điều sau.
Trước tiên cần phải nắm được thị trường cây trồng, tìm hiểu loại nào cho giống tốt và khoẻ, thời gian sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là cho hoa đẹp. Tiếp theo đó bạn cần phân biệt và hiểu rõ loài lan đó thuộc họ nào để tiện chăm sóc. Bởi vì mỗi họ lan thường có đặc điểm khác nhau dẫn đến yêu cầu về môi trường sống khác nhau. Thậm chí là mỗi loài trong họ cũng khác nhau rất nhiều, ví dụ như: lượng nước, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm…
Tiếp đó, chúng ta cần có một khoảng không gian rộng vừa đủ để có chỗ trồng hoa. Hầu hết những người trồng hoa sẽ đầu tư mô hình trồng lan công nghiệp trong nhà kính khép kín để môi trường bên ngoài không tác động và ảnh hưởng nhiều đến cây cối ở bên trong. Bên cạnh đó, cần đầu tư một số trang thiết bị giữ ấm, cung cấp ánh sáng và tưới tiêu cho cây. Tốt nhất là nên tự động hoá các thiết bị để có thể điều chỉnh nhanh nhất phù hợp với từng loài. Bởi vì không phải loài nào cũng cần lượng nước, độ ẩm và nhiệt độ như nhau.
Về phần chăm sóc cây với cả người nuôi trồng cây lan công nghiệp cũng như người chơi hoa, cần chú ý một số điều sau. Lan là loài cây ở vùng khí hậu nhiệt đới ẩm nên phải thưởng xuyên cung cấp độ ẩm cho cây. Nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt. Phải cấp ẩm vừa đủ, duy trì ở mức ổn định và không được kéo dài. Bên cạnh đó, nếu cây bị nhiễm nấm từ đất thì không thể ra hoa được. Do đó cần phải thay đất và chậu thường xuyên để tránh các loài nấm gây bệnh cho hoa.
Trồng lan công nghiệp đòi hỏi người ta cần có một sự tinh tế, kiên trì, khéo léo và đặc biệt phải có một tấm lòng chân thành yêu hoa thì mới có thể tạo ra được những bông hoa xinh đẹp như ý.
Thanh Lam
Link nội dung: https://phapluatkinhdoanh.com/dac-diem-nhan-biet-va-cach-trong-va-cham-soc-hoa-lan-cong-nghiep-a1302.html