Ảnh minh hoạ nguồn internet
Trong các đặc sản khô An Giang như khô cá sặc, khô cá lóc, khô chạch… thì không thể không kể đến món khô nổi tiếng nhất của vùng huyện An Phú, đặc biệt là tại xã Vĩnh Hội Đông là khô rắn An Phú.
Hàng năm vào mùa nước nổi, các loại rắn nước ngọt như rắn nước, rắn ri, rắn bông súng,.. ở nơi đây sinh sôi và phát triển nhiều vô số kể. Cộng thêm rắn được người dân Campuchia mang sang đây bán. Nên người dân đã tìm cách chế biến để bảo quản lâu dài bằng cách làm khô.
Các loại rắn làm khô đều là loại rắn rẻ tiền, nên du khách dễ dàng được thưởng thức đặc sản khô rắn An Phú, thứ đặc sản An Giang làm quà dễ gây ghiền.
Ảnh minh hoạ nguồn internet
Món bún là món ăn trứ danh của vùng đất An Giang. Món ăn này được bán ở nhiều nơi nhưng ngon nhất là ở Châu Đốc, Long Xuyên và Tân Châu. Người dân ở đây quen gọi bún cá là bún nước lèo. Mỗi nơi đều có vị bún cá đặc trưng, ở Long Xuyên vị bún nhạt và thơm mùi nghệ, ở Tân Châu và Châu Đốc bún cá có vị đậm đà hơn.
Món bún cá ngon nhất là khi được nấu bằng cá lóc (cá quả), người ta có thể thay thế bằng cá kèo. Nước dùng ngọt được ninh từ xương gà, rau giá ăn kèm với bún cá nước lèo rất đa dạng, đó có thể là rau muống bào, bắp chuối bào sợi, giá, rau răm và đặc biệt là bông điên điển. Bông điên điển chỉ có vào mùa nước nổi, khi ăn bún cá với bông điên điển, thực khách mới cảm nhận được hết vị ngon ngọt đặc biệt của món bún này.
Ảnh minh họa nguồn internet
Mỗi khi có dịp về Tri Tôn, An Giang, người ta phải tìm ăn bằng được món đu đủ đâm độc đáo lạ miệng nơi đây, với công thức chẳng đâu có vì có cả ba khía, mắm ruốc và hột vịt, thịt nướng. Món gỏi đu đủ của người dân Khmer, trong tiếng Khmer, đu đủ đâm có tên là bốk-la-hông. Thành phần nguyên liệu của món bao gồm đu đủ đã thái sợi, rau muống, đậu đũa và sự kết hợp của chanh, cà chua, mắm ruốc. Nhai chậm rãi, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt nhẹ của sợi đu đủ giòn sần sật, cùng vị mằn mặn nhưng không quá gắt của mắm. Cộng hưởng thêm là vị chua của chanh, vị cay của ớt kèm vị béo của đậu phộng, mùi thơm của rau mọi vị cảm hòa quyện vào nhau.
Ảnh minh họa nguồn internet
Tung lò mò là tên của một loại lạp xưởng, đặc sản dân tộc Chăm ở An Giang. Không giống các loại lạp xưởng khác được làm từ heo. Tung lò mò được làm hoàn toàn từ thịt bò (người Chăm ở An Giang phần lớn theo đạo Hồi nên không ăn thịt heo).
Ban đầu, các phần thịt vụn sau khi mổ xẻ thịt bò được người Chăm tận dụng làm tung lò mò để sử dụng trong gia đình. Sau dần, nó trở thành món đặc sản ở An Giang được không chỉ người Chăm mà còn được thực khách thập phương ưa chuộng.
Ảnh minh họa nguồn internet
Là món ăn đặc sản của vùng Bảy Núi, An Giang, bánh canh bò viên Bảy Núi kết hợp sợi gạo được nấu ủ theo phương pháp truyền thống cùng nước dùng ninh nhừ từ xương heo, xương gà, tôm khô, cá và đặc biệt là bò viên… đậm đà, bổ dưỡng.
Bò viên được cắt làm đôi có màu đỏ hồng khi nhai thì vừa giòn dai vừa thơm ngọt đậm đà xứng danh đặc sản thịt bò vùng đất Bảy Núi.
Ảnh minh họa nguồn internet
Bò leo núi Tân Châu lôi cuốn bởi tên gọi, cách chế biến, cách thưởng thức, độ mềm mại và sự thơm ngọt. Nhiều người cứ nghĩ bò leo núi chắc là thấy từ thịt bò nuôi ở trên núi nên có thịt săn chắc, tươi ngon. Thực ra, bò leo núi cũng được chế biến từ bò tơ, nhưng vì cách chế biến, tẩm ướp rất đặc biệt ở đây nên mới gọi là “bò leo núi”.
Món bò leo núi được chế biến theo một cách rất khác lạ, khác nhiều so với các món bò nướng trong ẩm thực người Việt vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thịt được cắt dày hơn so với các món bò nướng như thường thấy. Đầu tiên thịt được ướp bằng trứng gà tươi được khuấy đều, chuẩn bị vỉ nướng bằng gang. Giữa vỉ nhô lên tròn trĩnh tượng hình quả núi nên tên gọi món ăn xuất phát từ điểm này. Cho một miếng mỡ heo thật to lên trên vỉ được bắc trên bếp than hồng, khỏa đều. Mỡ heo tan ra, sau đó để từng miếng thịt bò lên và phết 1 ít bơ vàng óng lên trên đó. Trứng và bơ hòa quyện thấm vào thịt thơm lừng, ngọt lịm.
Món ngon An Giang - Cơm Nị – Cà Púa
Ảnh minh họa nguồn internet
Ai trong chúng ta có lần về An Giang chắc hẳn đã nghe nói đến hoặc được thưởng thức món cơm nị – cà púa, một trong những đặc sản nức tiếng của miền này. Đây là món ăn truyền thống kết hợp bổ sung của hai món cơm nị và cà púa tạo nên một sự độc đáo và cầu kỳ mang đậm vị Chăm.
Cơm nị được nấu với sữa hoặc nước cốt dừa nêm thêm gia vị vừa miệng tạo nên vị béo ngọt đặc trưng. Một số người có thể bỏ thêm nho khô để tăng hương vị độc đáo cho món ăn. Đi kèm theo đó là cà púa được làm từ nguyên liệu chính là thịt bò tươi. Sau khi khử mùi sẽ được xào và chế biến để vừa đủ kết hợp tạo nên sự hòa quyện mà người ăn một khi đã thưởng thức khó có thể quên được cái tên cơm nị – cà púa này.
Ảnh minh họa nguồn internet
Sầu đâu hay còn được gọi là "sầu đông" hoặc "cây xoan", mọc rất nhiều ở các tỉnh như An Giang, Kiên Giang. Cần phân biệt cây sầu đâu mọc ở miền Tây và sầu đâu (sầu đông) mọc ở miền Trung. Cây mọc ở miền Trung lá màu xanh, hoa màu tím, đặc biệt lá độc không ăn được. Còn cây sầu đâu mọc ở miền Tây có hoa màu trắng xanh, lá màu xanh vị đắng nhưng chứa nhiều vị thuốc tốt.
Gỏi sầu đâu có vị đắng đặc trưng của lá sầu đâu kết hợp với vị mặn của khô cá sặc cùng với một số loại khác như thơm, dưa leo, xoài sống tạo nên một món ăn tuy dân dã nhưng rất tinh tế. Vị đắng của rau sẽ bị thay thế bởi vị ngọt thanh khi bạn nhai thật kỹ và chậm.
Ảnh minh họa nguồn internet
Xôi xiêm là một món xôi của người Campuchia, nó có vị ngọt và béo của sầu riêng, đậu xanh và nước dừa. Món xôi xiêm là điển hình của việc giao lưu văn hóa ẩm thực giữa Việt Nam và Campuchia.
Món xôi xiêm ngon nhất là ở vùng Tân Châu, xôi ở đây có vị ngọt và béo nhất. Thành phần cơ bản của xôi xiêm bao gồm gạo nếp đồ xôi, đậu xanh, trứng gà và nước dừa. Ở một vài chỗ người bán cho thêm sầu riêng để tăng độ thơm và béo cho xôi xiêm.
Hà Vy
Link nội dung: https://phapluatkinhdoanh.com/nhung-mon-ngon-ma-ban-khong-nen-bo-lo-khi-den-an-giang-a1336.html