Chấn hưng Nho học
Thời Lê - Trịnh, triều đình thi hành chính sách sùng Nho. Tháng 6-1662, chúa Trịnh Tạc sai Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ Phạm Công Trứ “cứ đến ngày mùng một và ngày Rằm hằng tháng thì đại hội các học trò để học tập. Từ đấy Nho phong thêm dóng dả, nhân tài nhiều người thành đạt” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Triều đình miễn tô thuế cho các thôn, phường xung quanh Quốc Tử Giám, ban cấp học điền, duy trì thường xuyên 300 giám sinh lưu trú, chia làm 3 loại: Thượng, Trung và Hạ xá sinh. Những bậc danh nho, đạo cao đức trọng như Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), Vũ Miên (? - 1782), Lê Quý Đôn (1726 - 1785)... được bổ giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (tức Hiệu trưởng). Ở các địa phương, triều đình cũng cho mở nhiều trường ở các phủ và cấp ruộng cho các trường Quốc học và Hương học (trường do Nhà nước lập ở địa phương). Tháng 12-1723, chúa Trịnh Cương quy định: “Trường Quốc học được cấp 60 mẫu ruộng. Trường Hương học: Phủ lớn 20 mẫu, phủ vừa 18 mẫu, phủ nhỏ 16 mẫu”.
Ảnh minh họa nguồn internet
Đặc biệt, chúa Trịnh Doanh và Trịnh Sâm đều là bậc danh nho, uyên thâm Hán học, có tài thi ca nên rất lưu tâm đến giáo dục, đào luyện nhân tài. Theo Đại Việt sử ký tục biên, tháng 6-1756, chúa Trịnh Doanh ban lời dụ cho các quan Nguyễn Huy Nhuận, Nguyễn Vỹ, Nguyễn Bá Lân rằng: “Trước đây vì ngoài biên nhiều việc, việc giảng đọc hơi ít. Nay triều đình vô sự, ta muốn ngày ngày giảng đọc, để tắm gội đạo lý của thánh hiền. Các khanh ai nấy cũng nên cố gắng, chớ để một ngày giảng, mười ngày không”, “Gần đây dạy và học hơi trễ nải, văn thể hơi biến đổi. Các khanh là bậc túc nho, ở vào chức vụ nhà Thành quân (một tên gọi khác của Quốc Tử Giám), nên lưu ý cổ vũ, bồi dưỡng nhân tài để cho Nhà nước dùng”.
Đúng 100 năm sau lần sửa chữa năm 1662, tháng 10-1762, chúa Trịnh Doanh lại cho tu sửa lớn ở Quốc Tử Giám. Chúa còn cho thiết lập Bí thư các (tức thư viện) làm nơi chứa thư tịch, kinh điển các loại; chọn các bậc túc nho uyên bác như Nguyễn Bá Lân, Lê Quý Đôn giữ chức Học sĩ để duyệt sách vở, lựa chọn những bộ sách quý, cần thiết đối với người đọc...
Giống như thân phụ mình (Trịnh Doanh), chúa Trịnh Sâm cử các bậc danh nho vào giảng dạy ở Quốc Tử Giám. Nội dung chương trình học tập ở đó chủ yếu theo yêu cầu tuyển chọn của các kỳ thi Hội. Thể thức thi Hội dưới thời Lê - Trịnh cơ bản mô phỏng theo thể lệ thi Hội được quy định vào năm Hồng Đức thứ 3 (1472) thời Lê Thánh Tông. Nói chung đề thi đều xoay quanh 9 bộ sách kinh điển của Nho gia là Ngũ kinh (Thi - Thư - Lễ - Dịch - Xuân Thu) và Tứ thư (Luận ngữ - Đại học - Trung dung - Mạnh tử).
Ngày nay, nếu nói học trò Quốc Tử Giám chủ yếu học Ngũ kinh, Tứ thư và các bộ sử của Trung Quốc thì dễ thấy sự gò bó, thiếu phong phú, nhất là về khoa học tự nhiên và kỹ thuật ứng dụng. Nhưng cách đây 3 - 4 thế kỷ, khi nền văn minh Nho giáo chiếm vị trí thượng phong ở Việt Nam và các nước Đông Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc... thì điều đó cũng không có gì là lạ. Bỏ qua những đặc điểm riêng biệt của từng kinh sách, dễ nhận thấy nội dung chủ yếu của toàn bộ kinh sách Nho giáo là nhằm giáo dục, cung cấp kiến thức, kinh nghiệm lịch sử kèm theo những lời khuyên răn, giáo huấn, khen chê về những việc tốt việc xấu, việc nên và không nên làm... Chính vì vậy mà ngày nay, khi chế độ quân chủ chuyên chế đã bị xóa bỏ từ lâu nhưng ý nghĩa cao đẹp trong truyền thống nhân nghĩa, trong đạo lý nhân sinh của người Việt vẫn vẹn nguyên giá trị.
Liên hệ với con số sĩ tử thời Lê - Trịnh về kinh đô Thăng Long dự thi Hội các khoa, thường có 3.000 - 4.000 người, có năm đến 6.000 người (khoa Canh Thìn 1640), có thể thấy nhu cầu in sách giáo khoa Ngũ kinh, Tứ thư, Bắc sử... không hề nhỏ. Các phố phía đông kinh thành như Hàng Gai, Hàng Quạt, Hàng Bồ... tập trung nhiều cửa hàng sách, là nơi các giám sinh thường lui tới. Năm Long Đức thứ 3 (1734) đời Lê Thuần Tông, có lẽ do cơ sở in sách ở Quốc Tử Giám đã có quy mô khá hơn nên triều đình giao cho các quan ở Quốc Tử Giám: “... Hiệu đính kiểm duyệt Ngũ kinh theo bản khắc văn của Trung Quốc rồi khắc thành sách..., ban bố cho các nơi trong nước, để theo đấy mà dạy bảo học trò, cấm mua sách của Trung Quốc”. Sau đó, chúa Trịnh Giang lại sai Nguyễn Hiệu, Phạm Khiêm Ích chia nhau khắc các bản Tứ thư, Chư sử, Thi lâm và Tự vị ban hành trong toàn quốc. Như vậy là vào nửa đầu thế kỷ XVIII, việc in ấn kinh sách ở Thăng Long đã có thể đủ cung cấp cho người dùng, không phải nhập sách từ Trung Quốc nữa.
Được sự khuyến khích và bảo trợ của triều đình, trường lớp tư thục được mở ra khá nhiều. Đa số thầy dạy các trường này là những nhà khoa bảng từng làm quan về trí sĩ, ở ẩn, từ quan hoặc bị bãi quan, lui về dạy học, tuân thủ nguyên lý “Tiến vi quan, thoái vi sư” (gặp thời thì làm quan, không may thì về quê làm thầy) của một kẻ sĩ chân chính. Nho học giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII xuất hiện 5 thế hệ thầy trò kế tiếp nhau rất đáng chú ý. Cứ liệu lịch sử cho thấy họ thuộc một “giáo dục hệ”, nằm trong một dòng mạch, một xu thế học thuật lớn của thời đại. Đó là Vũ Công Đạo, Vũ Thạnh, Nguyễn Tông Quai, Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích. 5 thế hệ thầy trò đó là sự bắt đầu và kết thúc của một trào lưu chấn hưng Nho học ở thế kỷ XVIII.
Chế độ khoa cử
Thời Lê - Trịnh, để có thể dự kỳ thi Hội ở kinh đô thì thí sinh phải đỗ các trường thi Hương (có học vị Hương cống) ở địa phương. Dưới thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn sau này cũng vậy, tại các trường thi Hương có khi có tới 10.000 người dự thi, nhưng chỉ có khoảng 100 người đỗ Hương cống (sau này là Cử nhân), tức là 1 người phải “chọi” với 100 người để chen chân vào cửa trường thi Hội. Có thể thấy sự quan tâm của các chúa Trịnh đối với sự nghiệp giáo dục ở thế kỷ XVI, XVII, XVIII lớn đến mức độ nào.
Chế độ thi cử thời Lê - Trịnh, cũng giống như thời Lê sơ, rộng rãi hơn thời Lý - Trần, quân lính cũng được đọc sách, được học, được thi. Khoảng cuối thế kỷ XVII, và thế kỷ XVIII, con nhà hát xướng cũng được đi thi, được làm quan.
Tổ chức các kỳ thi, từ thi Hương, thi Hội đến thi Đình, để tuyển chọn hiền tài được nhà nước phong kiến coi là công việc quan trọng bậc nhất của nền chính trị. Những trí thức Nho học đỗ đạt đều có học vấn tinh thông, đạo đức cao đẹp, là công cụ giúp cho công cuộc trị nước. Đó là một tư tưởng xuất sắc đúng đắn, không những đối với thời đại đã qua mà còn đúng cả với xã hội ngày nay. Người xưa coi trọng trí thức, coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia” thì không có nghĩa là không chú ý đến các tầng lớp khác trong xã hội, mà là có ý khuyến khích mọi người cùng rèn chí học hành, thi cử để bước lên bậc thăng tiến trong xã hội: “Ôi! Kẻ sĩ ở chốn nhà tranh ngõ hẻm, sách vàng, chiếu cỏ, một sớm bước lên hàng khanh tướng...” (Bài ký bia Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1724) do Tiến sĩ Đỗ Lệnh Danh soạn). Ở một chốn hương thôn bùn lầy nước đọng nào đó có người đỗ đạt thì ở đấy có thêm một “ngọn đèn văn hóa” lan tỏa đến xóm làng. Chính họ sẽ là những người ra đi để tìm sự trọng dụng, trở thành những nhân vật hoạt động chính trị xã hội, văn hóa giáo dục, nhà thơ, nhà văn có danh tiếng, gây dựng, bồi đắp nền văn hiến nước nhà.
Nhưng đã có khoa cử, tức là có sự tuyển chọn người thực học, chân tài, loại bỏ kẻ yếu kém, chỉ dựa vào gia thế, quyền thế để tiến thân thì nhất định xảy ra hiện tượng tiêu cực, gian dối nơi trường thi. Đối với những hành vi sai trái này, các chúa Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm... thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, thẳng tay nghiêm trị.
Theo Đại Việt sử ký tục biên, tháng 10-1717, Đô cấp sự trung Nguyễn Quý Thành làm Giám thí trường thi Hương Phụng Thiên ở Thăng Long phạm tội nghĩ sẵn đề thi, bí mật bán cho sĩ tử. Việc bị phát giác, chúa Trịnh Cương bãi chức Nguyễn Quý Thành.
Tháng 11-1726, chúa Trịnh Cương bắt Hương cống các xứ thi lại ở lầu Ngũ Long do con em các nhà thế gia đỗ khoa thi Hương phần nhiều nhờ “gà văn”, không có thực tài. Các con của Tham tụng (Tể tướng) Lê Anh Tuấn, Tắc quận công Phạm Công Trần, Vân quận công Đỗ Bá Phẩm, Đồng quận công Đặng Đình Gián thi lại đều trượt cả. Cộng những người thi hỏng ở các xứ, tất cả là 28 người, đều bị đưa xuống cho đình thần xét hỏi và trị tội nặng...
Tháng 10-1775, hội thi Hương, ở Thanh Hoa có giám sinh Đinh Thì Trung đổi quyển làm văn cho Lê Quý Kiệt (con Lê Quý Đôn). Việc bị phát giác, chúa Trịnh Sâm ra lệnh đầy Đinh Thì Trung ra Yên Quảng (Quảng Yên, Quảng Ninh ngày nay), đuổi Lê Quý Kiệt về quê làm dân thường...
Các chúa Trịnh đều tỏ rõ thái độ quý trọng nhân tài khoa bảng. Sử gia Lê Quý Đôn ở cuối thế kỷ XVIII nhận xét: “Bản triều, từ lúc Trung hưng (tức từ năm 1533) đến nay, đối với người đỗ khoa Tiến sĩ, đãi ngộ rất hậu, bổ dụng rất cao..., so với việc đặt khoa mục ở Trung Quốc, từ xưa đến nay chưa từng có”.
Duy tuyên
Link nội dung: https://phapluatkinhdoanh.com/giao-duc-khoa-cu-thoi-le-trinh-a1518.html