Trong thiên nhiên, Phalaenopsis phát triển trong tất cả các vùng nhiệt đới châu Á, Cây phát triển trong tự nhiên ở nhiệt độ ngày là 28-35°C, đêm: 20-24°C và độ ẩm tương đối cao.
Phalaenopsis ưa bóng râm, cây có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng qua rễ và lá. Rễ cũng đóng vai trò neo giữ cây.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Lan Hồ Điệp có chừng 44 loại nguyên giống, mọc trên dãy Himalaya đến suốt châu Á và sang cả Úc châu. Việt Nam có chừng 7-8 giống. Vào năm 1750 G.E. Rumphius đã tìm ra cây Hồ Điệp nhưng lầm tưởng là một loại Angraecum và sau này Carl Blume mới tìm ra cây Phalaenopsis amabilis vào năm 1825. Theo tiếng La tinh chữ Phaluna có nghĩa là con bướm (moth) và opsis có nghĩa là giống như. Lan Hồ điệp là một loại lan thân đơn, ngắn, lá to và cứng, rễ dài. Những cây nguyên giống thường nở hoa vào mùa đông xuân, các cây lai giống hoa nở quanh năm. Nếu nuôi đúng cách lan hồ điệp có thể sống rất lâu. Có cây sống được trên 18 năm sau đó ra hoa ở ngọn rồi mới chết
1. Kinh nghiệm khi trồng lan hồ điệp:
- Lan Hồ Điệp không thích đọng nước trên lá qua đêm. Nếu để đọng nước trên lá như vậy lá của nó có thể bị nhiễm bệnh.
- Hồ Điệp có thể cho bông trong điều kiện nhiệt độ dưới 65 độ F hay 18 độ C.
- Hồ Điệp là giống lan cho bông lâu tàn nhất trong điều kiện chăm sóc lý tưởng.
- Hồ Điệp thích ẩm ướt.
- Hồ Điệp ưa được trồng trong chậu chặt khít.
- Hồ Điệp ưa trồng trong giá thể có kích thước trung bình.
- Hồ Điệp không thích bị khô giữa hai kỳ tưới nước giống như một số loại lan khác. Một số loại lan giữa 2 lần tưới cần có 1 khoảng thời gian khô ráo.
2.Ghi chú:
Ảnh minh họa nguồn Internet
Cách đổi độ F sang độ C: °C = (°F – 32) / 1.8
Với Hồ Điệp thì kinh nghiệm cho thấy, không cần tưới nước nhiều, 1 tuần không tưới cũng không chết được. Nhưng do Hồ Điệp rất thích ẩm nên rất dễ bị nấm, do đó phải thường xuyên phun thuốc phòng nấm. Mùa khô, nếu gió nhiều, cây dễ mất ẩm, nên thường xuyên kiểm tra để tưới thêm. Mùa mưa nên tránh không cho nước mưa đọng trên lá, không để mưa trực tiếp vô lá làm thối lá. Trồng trong chậu kín, muốn giữ ẩm tốt thì không nên tưới nhiều làm thối rễ. Trồng thoáng, để rễ mọc phía trên thì tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm.
Về ánh sáng thì Hồ Điệp không cần nhiều sáng, nhiều cây trồng trong nhà gần cửa sổ gắn kiếng, có chút ánh sáng ban ngày vẫn có thể cho bông. Hồ Điệp có đặc tính khi ra bông, nếu không cắt vòi khi bông tàn, để 1 thời gian vòi đó vẫn cho nhánh ra bông tiếp. Vì vậy, nếu chăm tốt, vòi bự thì nên để vòi sau khi hoa tàn, dưỡng cây 1 thời gian lại cho bông tiếp trên vòi đó. Nhưng cần lưu ý lan nuôi bông thường rất yếu, nếu tham để bông lâu thì cây sẽ đuối, lá không cứng nổi. Người biết chơi thường cắt vòi sau khi hoa tàn, hoặc thấy cây yếu thì cắt vòi sớm hơn. Sau đó dưỡng cây bằng phân 30-10-10 một thời gian cho cây khoẻ lại mới nghĩ tới chuyện kích 6-30-30 để cho vòi khác.
Hồ Điệp là giống lan có hoa lâu tàn nhất. Khi có bông, nếu không tưới phân, không để nước phun lên bông, không để ngoài nắng thì bông có thể chơi tới 2 tháng. Mãn Thiên Hồng cũng họ hồ điệp là loại có hoa bền nhất.
Kim Thu
Link nội dung: https://phapluatkinhdoanh.com/lan-ho-diep-kinh-nghiem-trong-va-cham-soc-a1726.html