Bàn về thú chơi hoa của người Việt cùng GS. Vũ Khiêu

Xuân Kỷ Hợi 2019, GS. AHLĐ Vũ Khiêu bước vào khánh thọ lần thứ 104. Giáo sư đang lâm bệnh nên không thể thụ giáo cùng cụ được. Ký ức về những lần được đàm đạo cùng cụ về thú chơi hoa Tết của người Việt lại dội về da diết.

Năm 2005, từ một cơ duyên đã dẫn chúng tôi đến với Giáo sư Vũ Khiêu. Cho đến tận bây giờ những ấn tượng ban đầu khi được diện kiến và nghe cụ chia sẻ về thú chơi hoa của người xưa. Khác xa với những gì mọi người vẫn hình dung về gia cơ của nhà nho, một trí thức tiêu biểu, GS chỉ sống trong một căn nhà nhỏ rộng khoảng 40 m2 trong một ngõ nhỏ ở phố Vạn Bảo (Hà Nội). Bốn bức thư phòng là những tủ đựng sách quý và những công trình nghiên cứu của GS. Nhà tuy chật những vẫn có một khoảng không gian nhỏ để trồng hoa lan và mai trắng ngay sát cửa sổ. Giữa nhà là một chiếc bàn tròn vừa để làm việc, vừa để tiếp khách và cũng là nơi GS. viết câu đối.

Giáo sư Vũ Khiêu.

Giáo sư Vũ Khiêu chia sẻ, chơi hoa đã khó những cảm thụ được cái thần của hoa còn đòi hỏi cả sử công phu. Ví như chơi hoa đào phải chọn những gốc đào cổ, cành gốc phải gân guốc, rắn chắc bởi vì “mộc xuất thiên chi do hữu bản” (cây sinh ra hàng nghìn cành cũng là do có gốc), hoa không thể đẹp nếu không có gốc khỏe. Hoa không cần phải quá nhiều nhưng phải nở trên những cành có dáng dấp phong sương, mạnh mẽ.

Chơi hoa lan cành lá lơ thơ, hoa thường nhỏ mà cánh mỏng nhưng sắc rất đậm và hương thơm ngát. Đặt chậu lan ở đầu nhà, khách thoáng đi ngang qua đã thưởng thức được thứ mùi hương thiên nhiên tinh khiết và thanh tao ấy. Mỗi màu của hoa lan lại có những ý nghĩa riêng: Màu rắng: thanh khiết, trang nhã, cao quý; Màu trắng ngà: dịu dàng, thanh cao, duyên dáng; Màu hồng, màu đỏ: rực rỡ, nồng nhiệt, may mắn; Màu lục: thanh tân, tao nhã, sống động, hấp dẫn; Màu tía: yêu kiều, đằm thắm, dịu dàng, chân thành; Màu tím: thanh cao, đằm thắm, mộng mơ; Màu vàng: trong sáng, thần bí, kiêu sa, thanh nhã; Màu hồng đỏ: huy hoàng, hào hoa; Màu đen: tráng lệ, uy nghiêm, thần bí, độc đáo...

Ngày Tết trong nhà GS Vũ Khiêu thường có những cành Nhất chi mai trắng tinh khiết. Trong phòng làm việc của cụ còn treo câu đối của danh sĩ Cao Bá Quát viết về mai: "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.

Bởi Nhất chi mai đã là biểu tượng của người quân tử trung tín, tiết tháo, ngoan cường chọc trời khuấy nước. Từng cánh hoa tinh khiết nở rộ báo hiệu một mùa xuân tươi mới, an lành. Cao Bá Quát cúi đầu trước hoa mai là cúi đầu trước người quân tử, trung thành vì nghĩa lớn, cúi đầu trước vẻ đẹp quá đỗi thanh tao kiên cường của loài hoa này. Nhìn thấy những cành mai là nhớ tới bạn hiền, nhớ tới Tràng An thanh lịch:

Mai trúc chưa quên tình bạn cũ
Giang hồ còn mấy mắt ai xanh

Trong chiều sâu suy tư về thú chơi hoa ngày Tết, Giáo sư Vũ Khiêu đã mở rộng khi bàn về mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Theo đó, thiên nhiên Việt Nam vừa là người mẹ hiền, vừa rất hào phóng, vừa rất nghiêm khắc. Dải đất bốn mùa xanh tươi của Việt Nam là một nguồn vô tận cho cuộc sống no đủ của mọi người. Nhưng cũng trên mảnh đất này lại diễn ra cảnh tượng bão lụt, hạn hán, luôn luôn hủy hoại mùa màng cướp đi cả tài sản và sinh mạng con người. Những thử thách lớn lao ấy đòi hỏi nhân dân ta phải có một khí phách kiên cường để "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa", duy trì cuộc sống của mình, đem lại sự giàu mạnh cho tổ quốc. Bao nhiêu công sức đã đổ xuống mảnh đất này, khiến một tấc đất không chỉ là tấc vàng mà còn là tấc lòng của nhân dân Việt Nam thắm đượm máu, nước mắt, mồ hôi của thế hệ này đến thế hệ khác.

Con người cải tạo thiên nhiên nhưng thiên nhiên cũng cải tạo lại con người. Thiên nhiên trở thành quê hương thân thiết, tổ quốc thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân đạo, khí phách anh hùng của con người Việt Nam đã được hình thành và không ngừng được nâng cao trong sự gắn bó bền chặt lâu đời ấy giữa thiên nhiên Việt Nam và con người Việt Nam. Chỉ trong sự gắn bó ấy mà thiên nhiên mang tính thẩm mỹ và chứa đựng những cái đẹp thiên nhiên trong cuộc sống của con người.

Chính vì vậy, người Việt khi hướng về ngày Tết với ý nghĩa thiêng liêng, trang trọng là dịp để sẻ chia gắn kết cộng đồng, hướng về cuội nguồn dân tộc. Cùng với quan niệm ăn Tết, chúc Tết là thưởng thức vẻ đẹp của hoa xuân. Thú chơi hoa xuân đã trở thành một nghệ thuật, một nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa của dân tộc.

Quyết Tuấn

Link nội dung: https://phapluatkinhdoanh.com/ban-ve-thu-choi-hoa-cua-nguoi-viet-cung-gs-vu-khieu-a2074.html