Nâng cao vai trò truyền thông trong phát triển kinh tế sinh thái xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh

Ở Việt Nam, chúng ta không còn xa lạ với thuật ngữ truyền thông và sự hiện diện, tác động sâu rộng của truyền thông trong phát triển kinh tế- xã hội và đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa của mọi tầng lớp xã hội

Gắn với những tiêu chí của Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của thông tin, truyền thông ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu của khu vực này trong việc thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển của các ngành nghề, lĩnh vực và trong hoạt động phát triển kinh tế sinh thái nông thôn và đô thị

Ngày nay truyền thông đã trở thành một trong những khu vực trực tiếp tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, tham gia vào các quyết định liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, doanh nghiệp. Chính truyền thông tạo nên vai trò kết nối trong các quy trình thúc đẩy đầu tư, sản xuất, trao đổi thị trường, liên kết các quan hệ kinh tế giữa các quốc gia, dân tộc... Mặt khác, trong cuộc cách mạng về thông tin, cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ các hoạt động truyền thông ngày càng rộng lớn và hiện đại, hệ thống các phương tiện truyền thông cũng ngày càng đa dạng và rộng mở cùng với “cú sốc” Internet, mạng lưới các phương tiện thông tin điện tử và công nghệ viễn thông. Có thể thấy, mạng lưới truyền thông cũng đang dần dần phủ kín toàn bộ bề mặt của hành tinh xanh và con người hiện đại đã quen với truyền thông, gắn bó với bầu khí quyển của truyền thông giống như với thực phẩm và không khí.

Hội thảo Hoa, cây cảnh – ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ngày 23/4/2021

Sinh vật cảnh trong những năm gần đây không chỉ còn là thú chơi của một số người, là yếu tố mang tính văn hóa truyền thống người Việt mà cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và nhà nước, sự tham gia của các nhà khoa học thông qua những công trình nghiên cứu có giá trị, ứng dụng vào thực tiễn, những người đầu tư, sản xuất kinh doanh...các hoạt động phát triển hoa, cây cảnh đang thực sự trở thành một thị trường và một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong phát triển kinh tế sinh thái nông thôn, đô thị văn minh. Sự góp mặt của truyền thông trở nên đặc biệt quan trọng trong mô hình kinh tế sinh thái đem lại giá trị lớn này. Để đáp ứng yêu cầu phát triển sinh vật cảnh - ngành kinh tế sinh thái xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, truyền thông hơn hết cần tự nhìn nhận, đánh giá hoạt động của mình, không ngừng đổi mới, sáng tạo nội dung, phương thức chuyển tải thông tin dựa trên nguyên tắc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, trung thực, khách quan và minh bạch làm trung tâm của sự kết nối giữa các nhà: Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp, Nông dân và Người tiêu dùng.

Đối với nhà nước, truyền thông cần phải nâng cao các hoạt động tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các chương trình hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, nâng cao các hoạt động tư vấn, phản biện, kiến nghị tích cực về các chương trình, dự án phát triển kinh tế sinh thái, các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với phát triển hoa, cây cảnh. Để truyền thông thực sự là cầu nối giữa nhà nước với nhân dân, trở thành công cụ tuyên truyền chính sách, đưa chính sách vào thực tiễn hiệu quả, thì bản thân những người làm truyền thông, cơ quan truyền thông phải nâng cao ý thức chính trị, nắm bắt kịp thời và có sự am hiểu sâu sắc về chính sách, trên cơ sở tiếp cận và hỏi ý kiến chuyên gia, nhà quản lý.

Đối với nhà khoa học, truyền thông phải theo sát các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, thúc đẩy diễn đàn khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giới thiệu những công trình nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn, tận dụng tri thức, chất xám của nhà khoa học để tuyên truyền, phổ biến kiến thức mang tính cầm tay, chỉ việc cho các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, tận dụng vai trò “trọng tài” của nhà khoa học trong việc giải đáp kiến thức, đánh giá công nghệ, thúc đẩy quá trình giới thiệu, chuyển giao công nghệ trong cộng đồng.  

Đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh, cần tạo mối quan hệ bền vững, làm cầu nối 2 chiều trong truyền thông sinh vật cảnh. Chiều thứ nhất tăng cường thông tin pháp luật, quản lý cho doanh nghiệp, phổ biến kiến thức, kỹ năng tiêu chuẩn, thông tin thị trường cho doanh nghiệp trong lĩnh vực hoa, cây cảnh, kinh tế sinh thái, nông nghiệp, nông thôn, đô thị văn minh. Chiều thứ hai tăng cường các hoạt động bảo trợ truyền thông, lành mạnh tích cực, nêu gương người tốt, việc tốt, giới thiệu các mô hình, kinh nghiệm làm ăn hiệu quả, kiên quyết đấu tranh với những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong doanh nghiệp, phối hợp các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm.

Chương trình Vì một Việt Nam xanh – huy động các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ

Đối với người nông dân trồng hoa, cây cảnh, truyền thông tăng cường các hoạt động tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, kinh nghiệm thành công từ các mô hình ở Việt Nam và thế giới, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người trồng hoa, cây cảnh, tham gia vào nền kinh tế sinh thái, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cần chọn lọc các thông tin tiêu chuẩn về sản xuất, thị trường, giới thiệu cho nông dân.

Đối với người tiêu dùng, tiêu thụ các sản phẩm hoa, cây cảnh, cần tích cực phản ánh thông tin chính thống, đấu tranh với vấn nạn tin giả, thông tin không được kiểm chứng, định hướng môi trường thông tin lành mạnh tích cực cho công chúng, huy động sự tham gia, xã hội hóa nguồn lực từ các nhóm xã hội trong phát triển hoa, cây cảnh và kinh tế sinh thái.

Đối với chính bản thân nhà truyền thông, cần nâng cao nhận thức về phát triển hoa cây cảnh gắn với kinh tế sinh thái, nông thôn mới, đô thị văn minh trong giai đoạn hiện nay, nâng cao hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, kiến thức khoa học và công nghệ, tăng cường đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà truyền thông có kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp, có trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cao để đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, tích cực, bền vững của lĩnh vực hoa, cây cảnh và kinh tế sinh thái hướng tới xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trong giai đoạn tới.

Link nội dung: https://phapluatkinhdoanh.com/nang-cao-vai-tro-truyen-thong-trong-phat-trien-kinh-te-sinh-thai-xay-dung-nong-thon-moi-va-do-thi-van-minh-a2203.html