Những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt website thương mại điện tử, việc mua sắm trực tuyến không còn xa lạ với người tiêu dùng cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Đặc biệt, trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại điện tử càng cho thấy tính ưu việt cũng như khẳng định được xu thế phát triển của nền kinh tế số. Ở góc độ doanh nghiệp, đây cũng là “chìa khóa” giúp họ tiếp cận nhanh nhất với khách hàng, đồng thời hiểu rõ thị hiếu của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá của Cục Thống kê Hà Nội, tăng trưởng quý I/2020 đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh thu từ thương mại điện tử của một số đơn vị tăng từ 20- 30%.
Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử
Được đánh giá là một trong các thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất, nhiều năm qua, Hà Nội luôn xếp từ thứ hai trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI).
Trong xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lĩnh vực thương mại điện tử có tiềm năng rất lớn để mở rộng, phát triển. Để tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển, ngày 20/8/2020, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu ký ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về việc phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, về quy mô thị trường thương mại điện tử, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố, tăng trưởng trung bình hàng năm so với năm trước khoảng 20%. Phấn đấu tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55% vào năm 2025; tăng trưởng trung bình hàng năm so với năm trước khoảng 2%.
Về hạ tầng các dịch vụ phục vụ cho thương mại điện tử, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, trong đó, thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; phối hợp xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.
Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện từ; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 90% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đạt các mục tiêu như: đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển thương mại điện tử của Thành phố. Giữ vững thứ hạng trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử (EBI) hàng năm; hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử có uy tín trong khu vực; hình thành, phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới; phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử.
Để đạt được những mục tiêu này, Hà Nội sẽ xây dựng, phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như: nâng cấp website “Bản đồ mua sắm Thành phố Hà Nội”; phát triển logistics điện tử phục vụ hoạt động thương mại điện tử, xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới dịch vụ vận chuyển, hạ tầng logistics…
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố.
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động, sự kiện tổ chức thường niên Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam và các sự kiện như: Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday; hội nghị kết nối thương mại điện tử; chương trình vinh danh nhà sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ứng dụng thương mại điện tử uy tín nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất ứng dụng thương mại điện tử để xuất khẩu, mở rộng kênh phân phối trong nước.
Thương mại điện tử đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25% đến 30%/năm và đóng góp tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Việc các doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện các dịch vụ mới gắn với mua sắm online, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng sẽ là lực đẩy để thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Trước đó, Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 31/3/2020 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố năm 2020. Theo đó, UBND thành phố sẽ triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 để tiếp tục phấn đấu giữ vững xếp hạng từ thứ hai trở lên so với cả nước về chỉ số thương mại điện tử (EBI) hằng năm.
Tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 13/8/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hà Nội trên thực tế là trung tâm mạnh nhất cả nước về thương mại điện tử, tuy nhiên để phát triển bền vững, Thành phố cần tiếp tục xây dựng một số hạ tầng thương mại điện tử quan trọng để phát triển, đặc biệt là gắn với logistic và thương mại truyền thống. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hà Nội chặt chẽ về vấn đề này
|
Nguyễn Hạnh
Link nội dung: https://phapluatkinhdoanh.com/ha-noi-phan-dau-den-nam-2025-se-dat-50-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-trong-thuong-mai-dien-tu-a795.html