Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm: Không để dịch chồng dịch

Trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành phía nam, các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành đang có xu hướng gia tăng trở lại, đặc biệt là sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM). Song song với phòng chống COVID-19, y tế dự phòng đang nỗ lực phòng chống các bệnh truyền nhiễm, không để dịch chồng dịch.

Bệnh sốt xuất huyết và tay- chân- miệng đang gia tăng trở lại

Ngày 25/8, ghi nhận tại Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 TP.HCM đang có nhiều bệnh nhi bị SXH đang được điều trị. Chị Thị Nguyên (42 tuổi, quê Bạc Liêu, tạm trú Bình Dương) đang chăm sóc cho con là bé Danh Thị Yến Linh (13 tuổi), cho biết, bé bị sốt từ 18/8. Gia đình đã đưa đến bệnh viện ở gần nhà và được cho thuốc uống, tuy nhiên đến ngày 23/8 bé bị sốt cao hơn, được chuyển viện đến BV Quận Thủ Đức, TP.HCM, sau đó được tiếp tục viện đến BV Nhi đồng 2 để điều trị bệnh SXH.

Chị Nguyên cho biết, cả gia đình 4 người (2 vợ chồng và 2 con) đang sinh sống trong khu nhà trọ giá rẻ dành cho công nhân. Dù y tế địa phương thường có nhân viên y tế đến nhắc nhở giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, tuy nhiên vẫn có tình trạng vứt rác bừa bãi, các ao tù nước đọng, vỏ dừa ngổn ngang không được dọn dẹp. “Chúng tôi đi làm theo ca, nhiều khi tăng ca về mệt mỏi không kịp móc mùng, cứ vậy nằm ngủ. Ai cũng chủ quan không nghĩ là sẽ bị muỗi đốt truyền bệnh SXH. Ngày hôm qua, sau khi bác sĩ hướng dẫn, tôi đã thông báo việc con tôi bị SXH cho chủ nhà trọ để vận động mọi người vệ sinh khu vực phòng trọ của mình và các khu vực xung quanh để diệt lăng quăng, hay chủ động ngủ mùng để phòng bệnh”.

Tương tự, bệnh nhi Lê Quốc Trung (9 tuổi) cũng đang điều trị SXH ở ngày thứ 6. Anh Lê Thành Nhân (ba của bé Trung, ngụ Long Thành, Đồng Nai) cho hay: “Tôi đi làm về thì thấy con bị nóng sốt, mệt mỏi, biếng ăn, chướng bụng. Tôi ra hiệu thuốc mua thuốc cho con uống 2 ngày nhưng không đỡ. Đưa con ra phòng khám, bác sĩ làm xét nghiệm rồi thông báo cháu bị SXH được chuyển viện lên BV Nhi đồng 2 để điều trị. Sau 6 ngày điều trị, cháu đã đỡ sốt, ăn uống được, BS nói nếu đến ngày mai tình trạng của cháu ổn định sẽ được xuất viện về nhà”.

“Bác sĩ cho biết mùa này là mùa của SXH, trong nhà đã có người mắc bệnh nên vợ chồng tôi cũng rất lo lắng 2 con nhỏ dễ mắc bệnh. Mấy hôm nay, vợ tôi ở nhà tích cực vệ sinh, đổ bỏ những hũ chậu nước đọng để diệt lăng quăng, đồng thời cũng vận động những người xung quanh cùng làm, nhưng khó khăn là các cống thoát nước ở bên cạnh các khu nhà trọ công nhân hôm trước dọn rác sạch sẽ thì hôm sau lại bẩn”, anh Nhân nói.

Bệnh nhi SXH đang được điều trị tại Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 TP.HCM.  Ảnh: T.Thương

BS.CK2 Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết, hiện nay tại khoa đang tiếp nhận và điều trị cho 25 ca bị SXH (trước đó khoảng 2- 3 tuần chỉ có khoảng 15 ca). Đặc biệt, đã ghi nhận một số ca SXH nặng, chủ yếu các ca nặng được chuyển viện đến từ các tỉnh giáp ranh với TP.HCM khi y tế tại cơ sở vượt quá khả năng điều trị. Bên cạnh SXH, bệnh TCM cũng đang có sự gia tăng theo từng tuần lễ. Tại khoa đang điều trị cho khoảng 15-20 ca TCM, vừa qua ghi nhận 1 ca TCM nặng may mắn được cứu sống. Các ca TCM còn lại vẫn đang được theo dõi để phát hiện các biểu hiện nặng.

Tại BV Nhi đồng 1, TP.HCM, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết, thông tin, số lượng bệnh nhi đang có dấu hiệu tăng so với những tháng trước, nhất là từ đầu tháng 8 đến nay. Hiện nay, tại Khoa Sốt xuất huyết đã có 50 trường hợp bệnh nhi mắc SXH, trong đó 5 bé bị đưa đến quá trễ, tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng, rơi vào sốc SXH phải cấp cứu, điều trị tích cực. Ngoài ra, có khoảng 20-30 trường hợp bệnh nhi bị SXH cảnh báo cần được truyền dịch theo dõi mỗi ngày, những trường hợp khác được điều trị ngoại trú.

Nỗ lực phòng chống dịch bệnh

BS.CK2 Đỗ Châu Việt khuyến cáo, trong số những trường hợp trẻ bị SXH, TCM có khoảng 10% sẽ diễn tiến nặng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những di chứng nặng nề về sau. Do đó, khi trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ nên được đưa đến cơ sở y tế để được khám sớm, đối với những trường hợp nhẹ sẽ được hướng dẫn điều trị ngoại trú, những trường hợp có dấu hiệu nặng cần được nhập viện điều trị.

Các dấu hiệu tăng nặng của SXH cần được hỗ trợ của y tế như: trẻ bị sốc, huyết áp tụt, mạch tụt. Ở TCM, dấu hiệu tăng nặng như: trẻ sốt cao liên tục, khó hạ, giật mình chới với, run. Ở giai đoạn nặng hơn, trẻ có nhịp tim nhanh hoặc xuống, huyết áp tụt, lúc này dù được cứu sống nhưng không thể tránh khỏi những di chứng nặng nề. Bên cạnh đó, phụ huynh nên tăng cường sức đề kháng phòng bệnh cho con bằng chế độ dinh dưỡng đủ chất, thực phẩm sạch được chế biến chín và hợp vệ sinh; đồng thời chế độ nghỉ ngơi vận động phù hợp.

Theo ThS.BS Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) TP.HCM, hiện nay là mùa của các dịch bệnh truyền nhiễm: SXH, TCM. Thống kê trên toàn TP, trung bình mỗi tuần có khoảng 100-200 ca bị TCM, khoảng 500 ca SXH, tăng khoảng 20-30% so với trung bình 4 tuần trước. Đối với bệnh sởi, số liệu sởi cuối năm 2019, đầu năm 2020 rất thấp nhưng các hoạt động truyền thông, phòng chống sởi vẫn được chú trọng.

Thời gian vừa qua bên cạnh các biện pháp phòng chống COVID-19, các chiến dịch, hoạt động kiểm soát phòng chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP vẫn được thực hiện đều đặn. Cụ thể, đối với SXH lực lượng y tế dự phòng vẫn duy trì và tăng cường các hoạt động kiểm soát điểm nguy cơ, điều tra dịch tễ trong trường học, khu dân cư. Với bệnh TCM, triển khai hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát thông qua hệ thống, giám sát bệnh trong các trường học, nhà trẻ, nhóm trẻ…

“Thời gian vừa qua ngành y tế đã tăng cường khuyến cáo người dân, người dân cũng nâng cao ý thức hơn trong phòng bệnh COVID-19, các biện pháp phòng bệnh COVID-19 chủ yếu qua đường tiếp xúc: rửa tay đúng cách, hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang… giống với các biện pháp phòng chống TCM nên cũng hạn chế được bệnh TCM , góp phần làm giảm số ca bệnh TCM trong cộng đồng”- BS Nga cho hay.

Về các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, BS Nga khuyến cáo: đối với nhóm bệnh do muỗi truyền (SXH, Zika) là những bệnh chưa có vắc xin do đó khuyến cáo người dân chủ động các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng chống muỗi đốt bằng mặc áo quần dài, ngủ mùng. Ở nhóm 2 là các nhóm bệnh: TCM, sởi, COVID-19, thuỷ đậu là những bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang, đặc biệt trong mùa COVID-19 hiện nay nên hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết. Đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ, đang được thực hiện giãn cách xa hội cần tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế.

Nhóm những bệnh đã có vắc xin: sởi, ho gà, thủy đậu, rubela. Khuyến các các gia đình có con trong độ tuổi bắt buộc cần đến trạm y tế gần nhất để được tiêm đủ vắc xin theo quy định. Trong bối cảnh phòng chống COVID-19, các hoạt động tiêm chủng đã có hướng dẫn an toàn: đảm bảo khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay, khai báo y tế, do đó người dân có thể yên tâm đưa con đến các trạm y tế để được tiêm chủng đúng lịch, đúng số lượng mũi, đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất.

08.3456.5456 ĐĂNG KÝ TƯ VẤN