Sự kiện đóng điện lưới quốc gia ra đảo Trần đúng dịp cả nước kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống cho nhân dân xã đảo của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về ưu tiên đầu tư phát triển cho những vùng biên giới hải đảo; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Đông Bắc Bộ của Tổ quốc.
Lễ gắn biển công trình đóng điện lưới quốc gia trên đảo Trần diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 (Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh)
Hạng mục đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần thuộc giai đoạn 2 của Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần (huyện Cô Tô) và đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà). Dự án được triển khai từ tháng 1/2020, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Đây cũng là một trong những tuyến cáp điện dài nhất kéo ra đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (sau đảo Cô Tô).
Tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng gồm các hạng mục: Xây dựng mới gần 20 km đường dây trung áp 22kV, trong đó có hơn 13,5 km cáp ngầm dưới biển và gần 7 km đường dây trên không; ba trạm biến áp với tổng công suất 460kVA và 3,2 km đường dây hạ áp 0,4kV và 65 công tơ đo đếm điện.
Trong đó, việc hạ cáp ngầm xuyên biển là khâu quan trọng và phức tạp nhất. Tuyến cáp điện kéo ra đảo Trần có chiều dài hơn 13 km. Đoạn đầu cáp ngầm kết nối từ Trạm cắt VT29 thôn 2, xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái, điểm cuối tại đảo Trần (huyện Cô Tô). Sau hơn 150 ngày đêm thi công trong điều kiện gặp không ít khó khăn về thời tiết và địa hình dự án đã hoàn thành.
Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân (huyện Cô Tô) là hòn đảo xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh, đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng và được coi là đảo tiền tiêu vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Hòn đảo nằm cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ chỉ 10 hải lý. Hiện đảo Trần có 12 hộ với 57 nhân khẩu bám đảo, sinh sống chủ yếu bằng đánh bắt hải sản, ngoài ra còn có các đơn vị quân đội, biên phòng, trạm radar. Để có điện sinh hoạt nhiều năm trước đây, người dân đảo Trần sử dụng chủ yếu nguồn điện năng lượng mặt trời và nguồn điện sạc dự trữ bình ắc-quy.
|