Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm tăng 7,5%
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III ước tăng 3,05% - gấp 1,16 lần mức tăng GDP của cả nước (2,62%); tuy thấp hơn quý I (tăng 4,43%) nhưng cao hơn quý II (tăng 2,41%), thể hiện xu hướng tăng trở lại. Lũy kế 9 tháng năm 2020, GRDP Hà Nội tăng 3,27%, gấp 1,54 lần mức tăng của cả nước (2,12%).
Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2020 thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm
Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, suốt thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều sáng kiến nhằm kích cầu tiêu dùng, phục hồi phát triển kinh tế. Nổi bật là vào tháng 6 và tháng 7, vốn không phải thời điểm kích cầu tiêu dùng, nhưng Hà Nội đã tổ chức tháng khuyến mại với chủ đề “60 ngày vàng - rộn ràng mua sắm” có quy mô lớn, tạo hiệu ứng tích cực.
Nhờ các giải pháp hiệu quả trên, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm đạt 2.185 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%. Trong đó: Thương mại đạt 1.753 nghìn tỷ đồng (tăng 7,9%); dịch vụ đạt 389 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8%); khách sạn nhà hàng đạt 37 nghìn tỷ đồng (giảm 16,8%); du lịch lữ hành đạt 5 nghìn tỷ đồng (giảm 44,4%). Doanh thu bán lẻ đạt 421,7 nghìn tỷ đồng (tăng 2,0%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm ước tăng 3,3%, trong đó nhóm hàng thực phẩm tăng trên 10,93%.
Bố trí 28 điểm hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ hàng Tết
Hằng năm, Hà Nội thường hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức các tuần hàng hóa vào dịp Tết. Năm nay, ngoài việc hỗ trợ duy trì các hoạt động như năm trước, thành phố Hà Nội có thêm việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố đưa hàng hóa về bán tại các điểm cố định. Đây là một trong hàng loạt giải pháp đồng bộ, thống nhất được Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt suốt thời gian qua nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo đòn bẩy phục hồi phát triển kinh tế.
Thông tin về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội- chia sẻ, nhằm hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ hàng hóa và kích cầu tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô, năm 2020, lãnh đạo thành phố đã giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp bố trí 14 điểm bán hàng cố định hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước đưa hàng hóa về tiêu thụ tại Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Tuy nhiên, đến nay, trên cơ sở giới thiệu của Sở Xây dựng và các quận, huyện, thị xã, Sở Công Thương đã bố trí được gấp đôi số điểm mà thành phố yêu cầu, là 28 điểm, gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà văn hóa, công viên trên địa bàn thành phố. Sở cũng đã gửi công văn thông báo nhận đăng ký tới Sở Công Thương của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến nay, 6 tỉnh, thành phố đã có đăng ký đưa hàng về các điểm bán hàng này.
Đối với các điểm bán hàng đã có sẵn ki-ốt, khi tham gia, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đăng ký chỉ phải đóng tiền điện, nước cho đơn vị quản lý. Hiện nay, Sở Công Thương đang đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí lắp đặt các ki-ốt đối với những điểm bán hàng chưa có ki-ốt như công viên, nhà văn hóa. “Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là Hà Nội sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ hết sức cho các tỉnh, thành phố tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn”, bà Trần Thị Phương Lan nêu rõ.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, 9 tháng qua, lĩnh vực công thương của Thủ đô tăng trưởng dương, duy nhất chỉ có nhập khẩu là tăng trưởng âm. Tuy nhiên, vẫn có những điểm đáng lo ngại như, chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp giảm, chỉ số tồn kho các sản phẩm tăng, chỉ số sử dụng lao động giảm…
Do đó, trong những tháng cuối năm 2020, Sở Công Thương tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng. Sở Công Thương cũng sẽ triển khai chương trình bình ổn thị trường, nhất là mặt hàng thịt lợn khi mà nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.