Phát động từ tháng 3 trên quy mô toàn quốc, sau sáu tháng, Ban tổ chức nhận được 102 hồ sơ dự thi với 534 tác phẩm từ 37 tỉnh, thành phố. Cuộc vận động thu hút sự tham gia nhiệt tình của nhiều tác giả trong các độ tuổi, ngành nghề... tạo sức lan tỏa trong cộng đồng những người yêu áo dài Việt Nam. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các bộ sưu tập đa dạng, sáng tạo, được đầu tư công phu, các thiết kế phù hợp văn hóa, thuần phong mỹ tục, thể hiện được bản sắc, nét đẹp truyền thống.
Đón nhận sự hưởng ứng tích cực của các nhà thiết kế chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, trong đó có nhiều giáo viên, sinh viên, mỗi mẫu áo dài của các bộ sưu tập trình diễn trong đêm chung kết đã thật sự là một tác phẩm nghệ thuật mang nét khác biệt, nhưng đều cho thấy sự đầu tư công phu, tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ, sự tìm tòi sáng tạo trong ý tưởng thiết kế. Lấy cảm hứng từ những danh lam thắng cảnh, nét đặc trưng văn hóa của mỗi vùng, miền, các tác giả đã khéo léo chuyển tải các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản từng vùng, miền lên tà áo dài. Trong các bộ sưu tập như: Danh lam thắng cảnh Kiên Giang, Di sản thành phố mang tên Bác, Di sản văn hóa truyền thống quê hương, Di sản đền Gióng, Hoàng thành Thăng Long, Di sản Hải Phòng... những địa danh, di sản nổi tiếng của Việt Nam như đền Gióng, núi Đôi, núi Hồng Lĩnh, hồ Kẻ Gỗ, ruộng bậc thang, vịnh Hạ Long lần lượt xuất hiện trên tà áo. Điều này vừa thể hiện tài năng của người thiết kế, vừa giới thiệu, quảng bá danh lam thắng cảnh, di sản, đặc sản các vùng đất, đồng thời góp phần giữ gìn và lưu truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống, tôn vinh vẻ đẹp của quê hương. Trên nền chất liệu đa dạng, khác biệt như tơ, lụa, thổ cẩm... với những đường cắt khéo léo, kỹ thuật phối mầu và in tạo hiệu ứng thị giác, kỹ thuật thêu tay thủ công, đường cắt cúp tinh tế, các tác giả đã cho ra mắt các bộ sưu tập hài hòa, trang nhã, vừa toát lên nét hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc, nét đẹp truyền thống của áo dài Việt Nam, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, thướt tha, mềm mại của người phụ nữ, đồng thời mang đến sự thoải mái cho người sử dụng.
Được trao Giải nhất trong cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt”, bộ sưu tập Hoàng thành Thăng Long của tác giả Lê Thị Thủy (Hà Nội) thuyết phục những người yêu áo dài bởi ý tưởng độc đáo khi những hoa văn đặc trưng, họa tiết lá đề, rồng vờn mây thời Lý - Trần xuất hiện trên tà áo. Với kinh nghiệm 35 năm làm việc trong ngành thiết kế thời trang, tác giả Lê Thị Thủy chia sẻ: “Khi đến thăm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, tôi đã ấp ủ ý tưởng sẽ đưa hình ảnh một số hiện vật, họa tiết trưng bày ở đây lên tà áo dài. Mong muốn đó được phác thảo bản vẽ và thiết kế thành bộ sưu tập Hoàng thành Thăng Long khi tôi tham gia cuộc vận động thiết kế áo dài này”.
Nhận Giải nhì trong đêm chung kết, bộ sưu tập Trang phục truyền thống dân tộc Ê Đê của tác giả Phùng Quốc Khánh (Buôn Ma Thuột) mang đến vòng chung kết những chiếc áo dài phụ nữ đậm đà mầu sắc Tây Nguyên. Sử dụng chất liệu thổ cẩm truyền thống của người dân địa phương, với kỹ thuật luồn sợi chắc chắn trong quá trình dệt, từ những tấm vải đẹp, tác giả biến tấu dựng lên bộ áo dài mềm mại với từng sợi vải được xử lý cẩn thận, tính toán tỉ mỉ, họa tiết độc đáo.
Theo nhận xét của Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa, cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt” đã tạo ra sân chơi sáng tạo cho các nhà thiết kế, các nghệ nhân và những người yêu áo dài Việt Nam. Qua hoạt động này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mong muốn góp một phần công sức để các giá trị của áo dài sẽ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đêm chung kết đã khép lại, nhưng hình ảnh những tà áo dài thướt tha mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống vẫn còn lưu dấu ấn riêng. Những sân chơi như thế này không chỉ khẳng định sức sáng tạo không giới hạn về tà áo dài mà còn chủ động xây dựng kho tư liệu phong phú về giá trị, vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam đồng thời góp phần nâng tầm vị thế áo dài Việt Nam.