Những trang viết về người lính

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhiều đơn vị xuất bản trong nước đã có các ấn phẩm về người lính cả trong chiến tranh lẫn thời bình. Đây được xem là nguồn tư liệu quý giá để độc giả hiểu hơn về những năm tháng hào hùng mà người lính đã sống và chiến đấu, cũng như về những tâm tư của người lính hôm nay.

NXB Trẻ cùng lúc giới thiệu 2 ấn phẩm đặc biệt: Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? của Trung tướng Phan Thu và Nhật ký Phi công tiêm kích của Nguyễn Đức Soát.

Cuốn sách Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? được xem là câu trả lời cho câu hỏi mà nhiều nhà nghiên cứu, các độc giả trong nước và quốc tế đã đặt ra: Vì sao có Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không? Vì sao Việt Nam chiến thắng B-52? Sách chỉ ra những tính năng của B-52 mà người Mỹ cho là “bất khả xâm phạm” đã bị Việt Nam biến thành “tử huyệt” trên bầu trời Hà Nội...

Một số đầu sách về người lính vừa được ra mắt

Ảnh minh họa nguồn internet

Còn Nhật ký Phi công tiêm kích là những ghi chép của Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát trong suốt 7 năm từ 1966-1972. Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ của tác giả đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc; thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường phổ thông, giảng đường đại học…

NXB Văn hóa - Văn nghệ giới thiệu cuốn sách Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam của tác giả Trần Văn Nhiệm. Sách dày 800 trang, giúp người đọc hiểu được bối cảnh ra đời của dòng nhạc cải cách, từ sự du nhập của âm nhạc phương Tây, của những nhóm nhạc tiên phong từng tạo thành trào lưu và có những đóng góp giá trị trong mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện chính trị đáng nhớ của đất nước.

Ngoài ra, theo TS Quách Thu Nguyệt, sách còn giúp chúng ta thấy được vũ khí sắc bén của âm nhạc trong cuộc chiến, khi các ca khúc chạm được vào trái tim người nghe. Chính những ca từ, điệu nhạc mang âm hưởng cách mạng đã nuôi dưỡng lòng yêu nước, hào khí Đông A và trở thành lời hiệu triệu thúc giục người người hăng hái cầm vũ khí chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”...

Gây ấn tượng trong đợt này còn có trường ca Ngang qua bình minh của nhà thơ 8X Lữ Mai do NXB Văn học ấn hành. Đây là một trong những tác phẩm văn học được Bộ Quốc phòng đầu tư sáng tác trong năm 2020 và đã giành giải ba Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam. Khác với những tác phẩm văn học về người lính biển trước đây, trong tác phẩm này, tác giả đã chọn khai thác hình tượng người thủy thủ trên các chuyến tàu làm nhiệm vụ.

Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ: “Hình tượng các thủy thủ thế hệ mới thông thạo nhiều ngoại ngữ, làm chủ khí tài, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài... khiến tôi ngưỡng mộ. Một thế hệ mới thông minh, bản lĩnh, xứng đáng tiếp bước cha ông - những lớp người nặng lòng giữ biển. Và họ cũng lãng mạn, đó chính là mạch nguồn xuyên suốt trong tác phẩm của tôi”.

08.3456.5456 ĐĂNG KÝ TƯ VẤN